Hậu Kim sơ khai Hậu_cung_Nhà_Thanh

Thời kỳ Thiên Mệnh và Thiên Thông

Bản đồ Cố cung Thẩm Dương.

Khi Hậu Kim thành lập, Nỗ Nhĩ Cáp Xích vẫn chưa thành lập trật tự các vị Thê thiếp của mình, vẫn gọi là Phúc tấn. Sau khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích xưng Đại hãn, các Thê thiếp gọi chung là Chúng Phúc tấn (众福晋; Fujisa). Đời sau, tuy lấy danh xưng "Hậu phi" để gọi các bà Thê thiếp của Hãn thời kỳ này, song thực tế lúc đó không gọi như vậy[1].

Lúc này, nội trướng của Hậu Kim tạm có trật tự một chút. Có hai bậc có thể xem là ngang nhau:

  • Đại Phúc tấn (大福晋; Amba fujin): đứng đầu Chúng phúc tấn. Đây là Đích Phúc tấn, chính thất toàn vẹn trên pháp lý của Hậu Kim Đại hãn. Tùy theo thứ tự cưới trước hay sau, trong văn bản có thể gọi là [Nguyên phi; 元妃] hay [Kế phi; 继妃], như vợ đầu của Nỗ Nhĩ Cáp Xích là Đông Giai thị được gọi là Thanh Thái Tổ Nguyên phi, có Mãn văn là [Neneme gaiha fujin], nghĩa là "Nguyên thú Phúc tấn" hay "Vị Phúc tấn được cưới hỏi đầu tiên". Sau đó lễ chế phát triển, Đại Phúc tấn còn được gọi là Đại phi (大妃).
  • Trắc Phúc tấn (侧福晋; Ashani fujin): thân phận trung hòa giữa Đích Phúc tấn và các Thứ Phúc tấn. Trong đó có một ít Trắc Phúc tấn có thân phận cơ hồ có thể cùng Đại Phúc tấn tương đồng. Đây được cho là ảnh hưởng từ chế độ khai sơ [Một chồng, nhiều vợ, nhiều thiếp] của người Nữ Chân trước khi nhập quan.

Dưới hai hàng Phúc tấn có thân phận ngang nhau trên, thì là các dạng Thứ Phúc tấn (庶福晋; Buya fujin), tức những Thứ phi, là các tiểu thiếp trải trong nội trướng, thân phận kém xa Đích Phúc tấn và Trắc Phúc tấn. Có rất nhiều tên gọi:

  1. Tiểu Phúc tấn (小福晋; Ajige fujin);
  2. Tiểu thê (小妻; Buya sargan);
  3. Tì thiếp (婢妾; Gucihi);
  4. Nhàn tản Phụ nhân (闲散妇人; Sula hehesi);
  5. Cách cách (格格; Gege);

Trên thực tế, lúc đó trong hậu cung sinh hoạt tuy rằng đồng dạng thuộc về cấp bậc Thứ phi, nhưng là căn cứ xưng hô bất đồng mà cũng có địa vị cao thấp khác nhau. Tỷ như nói “Ajige fujin” thân phận liền phải so cao hơn các “Buya sargan”, nhưng các “Ajige fujin” vẫn như cũ không thể bị xếp vào hàng Trắc Phúc tấn được.

Khi Hoàng Thái Cực lên ngôi, ông cho lập Trung cung Phúc tấn (中宮福晉), Đông cung Phúc tấn (東宮福晉) và Tây cung Phúc tấn (西宮福晉). Hoàng Thái Cực trước hết sắc lập Trung cung Phúc tấn và Tây cung Phúc tấn, lại ở Thiên Thông năm thứ 6 (1632) sách lập Trát Lỗ Đặc Bác Nhĩ Tế Cát Đặc thị (扎鲁特博尔济吉特氏) làm "Đông cung Phúc tấn"[2]. Thiên Thông năm thứ 9 (1635), ngày 7 tháng 10, sau khi vừa hạ sinh Cửu cách cách, Hoàng Thái Cực đem Trát Lỗ Đặc Bác Nhĩ Tế Cát Đặc thị ban cho Nam Chử (南褚) của Diệp Hách, cho thấy thái độ khinh mạn của Hoàng Thái Cực với chúng tần thiếp.

Thời kỳ Sùng Đức

Năm Sùng Đức nguyên niên (1636), Hoàng Thái Cực xưng Hoàng đếThịnh Kinh, lập ra Đại Thanh, do vậy đem hậu cung sửa lại định chế, gọi là Ngũ cung chế (五宮制), Ngũ cung Phúc tấn (五宫福晋) hay Sùng Đức Ngũ cung (崇德五宮)[3]. Nhưng khi ấy Hoàng thái Cực tuy phỏng theo quy chế Trung nguyên, học theo nhà Minh, nhưng vẫn có tình trạng ba phải thế nào cũng được, trộn lẫn danh xưng Hán song song danh xưng theo lối Mãn.

Sắc phong cho 5 vị Hậu phi này, bên cạnh Hán văn là Hậu và phi, thì còn có cách gọi theo truyền thống của Hậu Kim là Phúc tấn, trong đó:

  • Đại Phúc tấn Triết Triết ngụ tại Thanh Ninh cung (清寧宮), vị Hoàng hậu (皇后); Mãn văn gọi là Quốc quân Phúc tấn (國君福晉; Ejen fujin);
  • Hải Lan Châu ở Đông Cung là Quan Thư cung (關睢宮), phong hiệu Thần phi (宸妃); Mãn văn là Đông Đại Phúc tấn (東大福晉; Dergi amba fujin).
  • Na Mộc Chung ở Tây Cung là Lân Chỉ cung (麟趾宮), phong hiệu Quý phi (貴妃); Mãn văn là Tây Đại Phúc tấn (西大福晋; Wargi amba fujin).
  • Ba Đặc Mã Tảo ở Đông Cung là Diễn Khánh cung (衍慶宮), phong hiệu Thục phi (淑妃); Mãn văn là Đông Trắc Phúc tấn (東侧福晋; Dergi ashan i fujin).
  • Bố Mộc Bố Thái ở Tây Cung là Vĩnh Phúc cung (永福宮), phong hiệu Trang phi (莊妃); Mãn văn là Tây Trắc Phúc tấn (西侧福晋; Wargi ashan i fujin).